QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN LONG HƯNG A | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc Lập – Tự do – Hạnh Phúc |
QUY CHẾ
Về tiền gửi tiết kiệm
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 94/QĐ-HĐQT ngày 28/12/2017
của Hội đồng quản trị QTDND Long Hưng A)
_______________
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy chế này điều chỉnh các hoạt động nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm (TGTK) bằng đồng Việt Nam trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam giữa Quỹ tín dụng nhân dân Long Hưng A (QTD) và người gửi tiền.
Điều 2. Đối tượng gửi TGTK
Đối tượng gửi TGTK là các cá nhân Việt Nam và các cá nhân nước ngoài đang sinh sống và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Điều 3. Phạm vi nhận TGTK
- QTD nhận TGTK của mọi cá nhân, Tổ chức theo quy định của pháp luật có liên quan về TGTK.
- Thứ tự ưu tiên nhận TGTK của QTD lần lượt như sau:
+ Là thành viên QTD;
+ Trong địa bàn hoạt động;
+ Ngoài địa bàn hoạt động.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
- TGTK là khoản tiền của cá nhân, tổ chức được gửi vào tài khoản TGTK, được xác nhận trên văn bản thỏa thuận nhận tiền gửi (sổ tiết kiệm, hợp đồng nhận tiền gửi), được hưởng lãi theo quy định của QTD và được bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
- Người gửi tiền là người thực hiện giao dịch liên quan đến TGTK. Người gửi tiền có thể là chủ sở hữu TGTK, hoặc đồng chủ sở hữu TGTK, hoặc người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu TGTK, của đồng chủ sở hữu TGTK.
- Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của QTD dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.
- Chủ sở hữu TGTK là người đứng tên trên sổ tiết kiệm.
- Đồng chủ sở hữu TGTK là 2 cá nhân trở lên cùng đứng tên trên sổ tiết kiệm.
- Giao dịch liên quan đến TGTK là giao dịch gửi, rút TGTK và các giao dịch khác liên quan đến TGTK.
- Tài khoản TGTKlà tài khoản đứng tên một cá nhân hoặc một số cá nhân và được sử dụng để thực hiện một số giao dịch thanh toán theo quy định tại Quy chế này.
- Văn bản nhận tiền gửi là sổ tiết kiệm hoặc hợp đồng nhận tiền gửi phát sinh trên cơ sở thỏa thuận giữa QTD và người gửi tiền trong đó xác nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu TGTK hoặc đồng chủ sở hữu TGTK về khoản tiền đã gửi tại QTD, số tiền lãi và thời gian mà QTD phải hoàn trả gốc và lãi cho người gửi tiền.
- TGTK không kỳ hạn là TGTK mà người gửi tiền có thể rút theo yêu cầu mà không cần báo trước vào bất kỳ ngày làm việc nào của QTD.
- TGTK có kỳ hạn là TGTK trong đó người gửi tiền thỏa thuận với QTD về kỳ hạn gửi nhất định.
- Kỳ hạn gửi tiền là khoảng thời gian kể từ ngày người gửi tiền bắt đầu gửi tiền vào QTD đến ngày QTD cam kết trả hết tiền gốc và lãi TGTK.
- Số tiền lãi : là khoản tiền QTD phải trả cho khách hàng gửi tiền.
- Thời hạn tính lãi : là toàn bộ khoảng thời gian do QTD và khách hàng thỏa thuận để tính số tiền lãi của khoản tiền gửi.
- Kỳ tính lãi : là khoảng thời gian trong thời hạn tính lãi mà QTD và khách hàng thỏa thuận dùng để tính số tiền lãi.
Kỳ tính lãi có thể được xác định bằng giờ, ngày, tuần, tháng, năm theo thỏa thuận giữa QTD và khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 5. Điều kiện thực hiện các giao dịch liên quan đến TGTK
- Cá nhân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, cá nhân nước ngoài đang sinh sống và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam được thực hiện các giao dịch liên quan đến TGTK.
- Cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài đang sinh sống và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nhưng có tài sản riêng đủ để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự thì được thực hiện các giao dịch liên quan đến TGTK.
- Đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật thì chỉ được thực hiện các giao dịch liên quan đến TGTK thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.
Điều 6. Thủ tục gửi TGTK
- Thủ tục gửi TGTK lần đầu:
- a) Người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại QTD và cung cấp một trong các giấy tờ sau :
- Đối với người gửi tiền là cá nhân Việt Nam phải cung cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu. Đối với người gửi tiền là cá nhân nước ngoài, phải cung cấp giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu được cấp thị thực còn thời hạn hiệu lực; nếu người gửi tiền đó nhập cảnh được miễn thị thực theo quy định của pháp luật về nhập cảnh thì cung cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực.
- Đối với người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, ngoài việc cung cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực, phải cung cấp các giấy tờ chứng minh tư cách của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Đối với cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nhưng có tài sản riêng, ngoài việc cung cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực phải cung cấp giấy tờ để chứng minh tiền gửi tại QTD là tài sản riêng của mình như giấy tờ về thừa kế, cho, tặng hoặc các giấy tờ khác có giá trị tương đương.
b) Người gửi tiền đăng ký chữ ký mẫu lưu tại QTD. Trường hợp người gửi tiền không thể viết được dưới bất kỳ hình thức nào thì QTD hướng dẫn cho người gửi tiền điểm chỉ dấu vân tay, đăng ký mã số hoặc ký hiệu đặc biệt thay cho chữ ký mẫu.
c) QTD thực hiện các thủ tục nhận TGTK, mở tài khoản TGTK và cấp sổ tiết kiệm cho người gửi tiền lần đầu sau khi người gửi tiền đã thực hiện các thủ tục nêu tại điểm a, b khoản 1 Điều này.
- Thủ tục các lần gửi tiết kiệm tiếp theo:
- a) Thủ tục gửi tiền tiết kiệm các lần gởi tiếp theo như lần đầu nhưng bỏ bớt phần đăng ký chữ ký mẫu.
- b) Đối với giao dịch gửi tiền, nếu người gửi tiền là người giám hộ thì không cần phải lập chữ ký mẫu của người chủ sở hữu.
- c) Đối với giao dịch nhận tiền lãi, nếu người gửi không trực tiếp nhận thì phải lập giấy ủy quyền. Nhân viên QTD căn cứ vào chữ ký mẫu và chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu của người lĩnh lãi nếu khớp đúng thì cho thực hiện giao dịch.
Điều 7. Văn bản nhận tiền gửi
- Căn cứ vào tình hình hoạt động của đơn vị mà HĐQT quyết định văn bản nhận tiền gửi dưới hình thức thỏa thuận cụ thể ( hợp đồng nhận tiền gửi) hay thỏa thuận khung (sổ tiết kiệm) cho phù hợp.
- Văn bản thỏa thuận phải có các yếu tố chủ yếu sau:
- Tên QTD; loại tiền gửi, số tiền; kỳ hạn gửi, ngày gửi tiền; ngày đến hạn thanh toán (đối với sổ tiết kiệm có kỳ hạn); lãi suất; phương pháp tính lãi; phương thức trả lãi; thời điểm trả lãi; địa điểm thanh toán tiền gốc và lãi.
- Họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu TGTK, đồng sở hữu TGTK; số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu TGTK.
- Họ tên và địa chỉ và số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu cước của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật (chỉ áp dụng đối với trường hợp người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật).
- Số sổ, con dấu, chữ ký của Giám đốc QTD hoặc người được Giám đốc ủy quyền, chữ ký của giao dịch viên QTD.
- Người chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu được chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm theo quy định của pháp luật.
- Người gửi tiền có kỳ hạn tại QTD được vay tiền QTD dưới hình thức vay cầm cố sổ tiền gửi. Số tiền cho vay tối đa cộng tiền lãi phải trả khi đến hạn trả nợ không vượt quá số dư còn lại của sổ tiền gửi tại thời điểm quyết định cho vay.
Điều 8. Đồng sở hữu TGTK
Thủ tục nhận và chi trả TGTK trong trường hợp đồng chủ sở hữu TGTK được quy định như sau:
- Nhận tiền gửi lần đầu: Phải có mặt đầy đủ đồng sở hữu TGTK. Thủ tục ghi trong sổ tiết kiệm và chữ ký mẫu phải lập đầy đủ tên, giấy Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của tất cả các đồng sở hữu như quy định tại Điều 6 Quy chế này.
- Người gửi tiền phải lập văn bản thỏa thuận giữa các đồng sở hữu. Văn bản phải có những nội dung cần thiết sau: Họ tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của từng thành viên đồng sở hữu; số tiền thuộc sở hữu của mỗi người, điều cam kết chung và chữ ký của từng thành viên đồng sở hữu.
- Nhận tiền gửi các lần sau: Không cần chữ ký mẫu của các đồng sở hữu.
- Chi trả tiền gửi tiết kiệm:
- Thủ tục chi trả tiền gửi tiết kiệm phải chi trả trực tiếp đến các đồng sở hữu.
- Trường hợp vắng mặt đồng sở hữu phải có giấy ủy quyền.
Điều 9. Sử dụng tài khoản TGTK
Tài khoản TGTK không được sử dụng để phát hành séc và thực hiện các giao dịch thanh toán.
Điều 10. Địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm
Địa điểm nhận và chi trả TGTK tại trụ sở chính QTD.
Điều 11. Lãi suất TGTK
- Lãi suất do Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Giám đốc.
- Trong quá trình thực hiện khung lãi suất, nếu thị trường có biến động, Giám đốc có thể điều chỉnh lãi suất dao động ± 10%/lãi suất do HĐQT quy định và báo cáo ngay cho HĐQT cùng với đề suất khung lãi suất mới.
Điều 12. Nguyên tắc tính lãi.
- Lãi suất tính lãi: được quy đổi theo tỷ lệ %/năm (lãi suất năm); một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;
Thời gian sử dụng để quy đổi mức lãi suất tính lãi theo tỷ lệ %/tháng, %/tuần, %/giờ sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày; quy đổi mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/năm và ngược lại được tính như sau:
- Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày.
- Một tháng là ba mươi ngày.
- Một tuần là bảy ngày.
- Một ngày là hai mươi tư giờ.
- Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời gian tính lãi) và thời điểm xác định số dư thực tế để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời gian tính lãi.
Điều 13. Phương thức trả lãi và phương pháp tính lãi
- Phương thức trả lãi: do HĐQT quyết định theo các phương thức sau:
- Trả lãi hàng tháng;
- Trả lãi hàng quý;
- Trả lãi đầu kỳ;
- Trả lãi cuối kỳ.
- Phương pháp tính lãi:
- a) Yếu tố tính lãi:
+ Thời hạn tính lãi: Được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 12 quy chế này.
+ Số dư thực tế: Là số dư đầu ngày tính lãi của số dư tiền gửi thực tế mà QTD được sử dụng để tính lãi theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.
+ Số ngày duy trì số dư thực tế: Là số ngày mà số dư thực tế đầu mỗi ngày không thay đổi.
+ Lãi suất tính lãi: Được tính theo tỷ lệ %/năm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 quy chế này.
. b). Công thức tính lãi:
+ Số tiền lãi của từng kỳ tính lãi được xác định như sau:
Số tiền lãi của một ngày được tính toán như sau:
Số dư thực tế x lãi suất tính lãi
Số tiền lãi ngày =
365
Số tiền lãi của kỳ tính lãi bằng tổng số tiền lãi ngày của toàn bộ các ngày trong kỳ tính lãi:
+ Đối với các khoản tiền gửi có thời gian duy trì số dư thực tế nhiều hơn một (01) ngày trong kỳ tính lãi, được sử dụng công thức sau:
∑(Số dư thực tế x số ngày duy trì x lãi suất tính lãi) số dư thực tế
Số tiền lãi =
365
Điều 14. Hình thức TGTK
Hình thức TGTK phân loại theo kỳ hạn gửi tiền gồm hình thức TGTK không kỳ hạn (TGTKKKH) và TGTK có kỳ hạn (TGTKCKH). Các kỳ hạn cụ thể do Giám đốc quy định trong từng thời kỳ phù hợp với tình hình hoạt động của QTD và của pháp luật.
Điều 15. Rút gốc và lãi TGTK
- Người rút tiền thực hiện các thủ tục sau:
- a) Xuất trình sổ tiết kiệm.
- b) Nộp giấy rút tiền có chữ ký đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại QTD.
- c) Đối với cá nhân Việt Nam phải cung cấp một trong các giấy tờ sau: chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực. Đối với người gửi tiền là cá nhân nước ngoài, phải cung cấp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu hộ còn thời hạn hiệu lực; nếu người gửi tiền đó nhập cảnh được miễn thị thực theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, thì cung cấp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực.
- d) Đối với trường hợp người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, người gửi tiền ngoài việc thực hiện các thủ tục nêu tại điểm a, b và c Khoản 1 Điều này phải cung cấp thêm các giấy tờ chứng minh tư cách của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Đối với TGTK có kỳ hạn, trường hợp ngày đến hạn thanh toán trùng với ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của pháp luật, việc chi trả gốc và lãi TGTK được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo đầu tiên.
- Đối với TGTK có kỳ hạn, trường hợp người gửi tiền vì lý do nào đó không đến tất toán sổ tiết kiệm đúng hạn mà đến sớm hơn ngày đến hạn. Nếu người gửi tiền không rút vốn gốc và gửi lại hình thức TGTK có kỳ hạn thì được tất toán sớm không quá 5 ngày làm việc và được hưởng lãi suất như trên sổ TGTK nếu có thỏa thuận với QTD.
Điều 16. Rút TGTK trước hạn
- Người gửi tiền được rút tiền gửi trước hạn nếu có thỏa thuận với QTD khi gửi tiền và phải thông báo trước yêu cầu rút tiền trước 3 ngày làm việc.
- Trường hợp người gửi tiền có nhu cầu rút TGTK trước hạn đáp ứng đủ quy định tại Khoản 1 Điều này, thì người gửi tiền được hưởng lãi suất TG KKH áp dụng tại thời điểm tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn.
- Trường hợp người gửi tiền có nhu cầu rút TGTK trước hạn nhưng không đáp ứng đủ quy định tại khoản 1 Điều này, thì QTD có thể cho phép người gửi tiền rút tiền trước hạn. Trong trường hợp này, người gửi tiền được hưởng lãi theo quy định tại Khoản 2 Điều này và phải chịu một mức phí đối với TGTK rút trước hạn là 0,1% trên số tiền rút.
- Trường hợp người gửi tiền có nhu cầu rút một phần TGTK trước hạn, nếu có thỏa thuận và sự đồng ý của QTD thì người gửi tiền sẽ được hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn áp dụng tại thời điểm rút tiền gửi trước hạn. Phần TGTK còn lại vẫn được hưởng lãi suất có kỳ hạn như thỏa thuận ban đầu.
Điều 17. Rút TGTK theo thừa kế
Thủ tục rút TGTK theo thừa kế như sau:
- Người được thừa kế rút TGTK tại QTD phải cung cấp giấy tờ chứng minh tư cách là người đại diện thừa kế.
- Trình tự thủ tục rút TGTK như khoản 1 Điều 13 của quy chế này.
Điều 18. Rút TGTK theo giấy ủy quyền
- Chủ sở hữu TGTK có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mình đến QTD để rút tiền.
Đối với đồng chủ sở hữu TGTK thì mỗi thành viên chỉ có thể ủy quyền trong phạm vi số tiền sở hữu của mình đã xác định trong văn bản đã thỏa thuận khi gửi tiền tại QTD.
Nội dung ủy quyền phải có các yếu tố cơ bản sau: Họ tên, địa chỉ, CMND (hộ chiếu, thẻ căn cước công dân) và chữ ký của người gửi tiền, người được ủy quyền, nội dung ủy quyền. (số tiền ủy quyền, thời gian ủy quyền)
- Trường hợp ủy quyền được thực hiện ở nước ngoài giấy ủy quyền phải được cơ quan ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng thực.
- Trường hợp ủy quyền được thực hiện tại QTD thì phải có xác nhận của Giám đốc QTD hoặc người được Giám đốc ủy quyền.
- Trường hợp ủy quyền được lập ở nơi khác thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng.
- Trường hợp ủy quyền rút TGTK có thù lao hoặc nghĩa vụ phải bồi thường của bên được ủy quyền hoặc để chuyển quyền sở hữu thì phải lập hợp đồng ủy quyền và phải công chứng, thị thực theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Kéo dài kỳ hạn gửi tiền (tái tục TGTK)
- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn trả lãi cuối kỳ.
Khi đến hạn tất toán TGTK có kỳ hạn, nếu người gửi tiền không đến lĩnh và không có yêu cầu gì khác thì QTD sẽ nhập lãi vào gốc và kéo dài thêm kỳ hạn mới bằng với kỳ hạn cũ và áp dụng lãi suất căn cứ vào mức lãi suất hiện hành của QTD được công bố tại thời điểm tái tục kỳ hạn mới.
- Loại TGTK có kỳ hạn trả lãi trước và trả lãi theo định kỳ. Khi đến hạn thanh toán tiền gốc, nếu người gửi tiền không đến lĩnh và không có ý kiến gì khác thì QTD nhận tiền gửi tái tục số tiền gốc thêm một kỳ hạn mới bằng với kỳ hạn cũ và áp dụng mức lãi suất hiện hành của QTD được công bố tại thời điểm tái tục kỳ hạn mới.
- Trường hợp vào ngày đến hạn thanh toán QTD không có nhận tiền gửi kỳ hạn đó nữa thì TGTK sẽ được tiếp tục thêm một kỳ hạn mới bằng kỳ hạn ngắn hơn liền kề, đồng thời áp dụng mức lãi suất hiện hành của QTD được công bố tại thời điểm tái tục kỳ hạn mới.
Đều 20. Chuyển quyền sở hữu
- Chủ sở hữu TGTK chỉ được chuyển quyền sở hữu cho người khác toàn bộ số tiền và sổ tiết kiệm thông qua hình thức lập giấy đề nghị chuyển quyền sở hữu.
- Giấy đề nghị chuyển quyền sở hữu nếu được lập tại QTD thì phải có xác nhận của Giám đốc hoặc người được Giám đốc ủy quyền. Trường hợp không được lập tại QTD thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng.
- Giấy đề nghị chuyển quyền sở hữu phải có những yếu tố cơ bản sau: Thời gian, địa điểm lập; họ tên, địa chỉ, số CMND (hộ chiếu, thẻ căn cước công dân) của người chuyển quyền sở hữu và người nhận quyền sở hữu; số tiền chuyển quyền sở hữu; xác định rõ số tiền lãi phát sinh đến thời điểm chuyển quyền sở hữu; thời gian hiệu lực của giấy đề nghị; cam kết của người chuyển quyền sở hữu về tính hợp pháp và tự nguyện của việc chuyển quyền sở hữu.
- Căn cứ vào giấy chuyển quyền sở hữu. QTD lập thủ tục phát hành sổ tiết kiệm mới cho người nhận chuyển quyền sở hữu hoặc ghi nhận và thực hiện việc chuyển quyền sở hữu vào ngày đáo hạn ghi trên sổ tiết kiệm.
Điều 21. Sử dụng sổ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm tiền vay
Khi sử dụng sổ tiết kiệm làm tài sản cầm cố, chủ sở hữu TGTK hoặc đồng sở hữu TGTK phải cam kết trường hợp đến hạn trả nợ mà không trả được nợ, thì QTD chuyển số tiền gửi tiết kiệm của bên vay sang trả nợ vay tương ứng với số tiền gốc và lãi vay.
Điều 22. Xử lý các trường hợp rủi ro
Việc xử lý các trường hợp rủi ro như sau:
1.Trường hợp nhàu nát, rách:
- Nếu sổ TGTK bị nhàu nát, rách nhưng còn định dạng được chủ sở hữu, số tiền gửi và một số thông tin cần thiết khác thì trình Giám đốc quyết định thu hồi sổ và cấp lại bản hai. Giám đốc quy định việc lưu giữ sổ gốc đã thu hồi.
- Trường hợp sổ bị nhàu nát, rách không xác định được thông tin cần thiết thì xem như sổ đã mất.
- Trường hợp mất sổ TGTK:
- Chủ sở hữu phải báo cáo ngay về QTD bằng văn bản (trường hợp không viết được chữ thì nhờ người viết hộ);
- Sau 5 ngày kể từ ngày báo cáo mất, chủ sở hữu sổ TGTK mới được rút tiền tất toán sổ, thủ tục phải có tờ cớ mất sổ tiền gửi, có chứng thực của công an nơi mất.
- Các trường hợp rủi ro khác: Tùy trường hợp cụ thể, HĐQT giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật.
Điều 23. Quyền của người gửi tiền
- Người gửi tiền được thanh toán đầy đủ tiền gốc và lãi TGTK theo thỏa thuận với QTD.
- Người gửi tiền là chủ sở hữu TGTK hoặc đồng chủ sở hữu TGTK được chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm, được để lại thừa kế TGTK, được ủy quyền cho người khác thực hiện các giao dịch rút TGTK theo quy định của quy chế này và quy định của pháp luật.
- Người gửi tiền là chủ sở hữu TGTK hoặc đồng chủ sở hữu TGTK được cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn tại QTD.
- Người gửi tiền là người giám hộ, người đại diện theo pháp luật được quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến TGTK theo quy định tại Quy chế này và quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.
Điều 24. Trách nhiệm của người gửi tiền
- Thực hiện đúng các quy định tại Quy chế này và các thỏa thuận đã cam kết với QTD.
- Thông báo trước về yêu cầu rút tiền trước hạn theo quy định của QTD.
- Thông báo kịp thời việc mất thẻ tiết kiệm cho QTD khi phát hiện bị mất sổ tiết kiệm để tránh bị lợi dụng làm tổn thất tài sản.
- Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do không khai báo kịp thời việc mất sổ tiết kiệm với QTD.
Điều 25. Quyền của QTD
- Được quyền từ chối việc nhận và chi trả TGTK nếu người gửi tiền không thực hiện đúng các quy định tại Quy chế này và các thỏa thuận đã cam kết với QTD.
- Được quyền từ chối việc chi trả TGTK đối với sổ tiết kiệm đã bị lợi dụng nhưng không phải do lỗi của QTD.
Điều 26. Trách nhiệm của QTD
- Căn cứ vào Quy chế này và các văn bản pháp luật có liên quan, QTD có trách nhiệm công bố công khai các quy định về TGTK trong địa bàn hoạt động của mình.
- Nhận TGTK của các cá nhân vào các ngày và giờ thực hiện giao dịch.
- Thanh toán tiền gốc, lãi TGTK đúng hạn và đầy đủ.
- Công bố công khai lãi suất TGTK, phương thức trả lãi, mức thu phí đối với các khoản TGTK rút trước hạn (nếu có) và mức thu phí đối với các dịch vụ liên quan đến TGTK tại các địa điểm nhận, chi trả TGTK.
- Giữ bí mật số dư tiền gửi của chủ sở hữu TGTK hoặc đồng sở hữu TGTK theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn tiền gửi cho chủ sở hữu TGTK hoặc đồng chủ sở hữu TGTK.
- Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với TGTK do lỗi của QTD.
Điều 27. Chế độ thông tin báo cáo
- Giám đốc có trách nhiệm báo cáo cho NHNN về số liệu liên quan đến hoạt động nhận và chi trả TGTK theo quy định hiện hành về chế độ báo cáo thống kê.
- Báo cáo HĐQT về sao kê số tiền gửi định kỳ hàng tháng và sao kê số tiền gửi đối với các sổ có điều chỉnh lãi suất so với quy định của HĐQT
Điều 28. Khuyến mãi TGTK
Tùy theo tình hình thực tế, nhằm bổ sung nguồn vốn huy động, QTD có thể phát hành chương trình khuyến mãi ngắn hạn. nội dung chương trình khuyến mãi do HĐQT phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Giám đốc nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật
Điều 29. Xử lý vi phạm
Các tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật và phải bồi thường vật chất về những thiệt hại đã gây ra.
Điều 30. Sửa đổi, bổ sung
Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do HĐQT quyết định./.
| TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ CHỦ TỊCH
|