lh

Quy che cho vay

 QUY CHẾ

Cho vay đối với Khách hàng

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về hoạt động cho vay của QTD đối với KH.

 Điều 2. Đối tượng áp dụng

  1. Cán bộ, nhân viên QTD.
  2. KH vay vốn tại QTD.

 Điều 3. Giải thích từ ngữ, viết tắt

  1. Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.1. Cho vay: là hình thức cấp tín dụng, theo đó QTD giao hoặc cam kết giao cho KH một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

1.2. KH vay vốn tại QTD là pháp nhân, cá nhân bao gồm:

- Pháp nhân được thành lập tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại địa bàn hoạt động của QTD.

- Cá nhân là công dân Việt Nam và đăng ký thường trú tại địa bàn hoạt động của QTD, trừ KH vay cầm cố bằng sổ tiền gửi do chính QTD phát hành.

1.3. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống là việc QTD cho vay đối với KH là cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân đó, gia đình của cá nhân đó.

1.4. Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác (sau đây gọi là hoạt động kinh doanh) là việc QTD cho vay đối với KH là pháp nhân, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngoài quy định tại khoản 3 Điều này, bao gồm nhu cầu vốn của pháp nhân, cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân.

1.5. Phương án sử dụng vốn là tập hợp các thông tin về việc sử dụng vốn của KH, trong đó phải có các thông tin:

a) Tổng nguồn vốn cần sử dụng, chi tiết các loại nguồn vốn trong tổng nguồn vốn cần sử dụng (trong đó có nguồn vốn cần vay tại QTD); mục đích sử dụng vốn; thời gian sử dụng vốn;

b) Nguồn trả nợ của KH;

c) Phương án, dự án thực hiện hoạt động kinh doanh (trừ nhu cầu vốn phục vụ đời sống).

1.6. Khả năng tài chính là khả năng về vốn, tài sản, các nguồn tài chính hợp pháp khác của KH.

1.7. Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày tiếp theo của ngày QTD giải ngân vốn vay cho KH cho đến thời điểm KH phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của QTD và KH. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn cho vay là ngày lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần, thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.

1.8. Kỳ hạn trả nợ là các khoảng thời gian trong thời hạn cho vay đã thỏa thuận mà tại cuối mỗi khoảng thời gian đó KH phải trả một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay cho QTD.

1.9. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc QTD chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ như sau:

a) Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc QTD chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi;

b) Gia hạn nợ là việc QTD chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận.

1.10. Dư nợ gốc bị quá hạn bao gồm:

a) Số dư nợ gốc bị chuyển nợ quá hạn theo quy định tại Điều 22 Quy chế này;

b) Số dư nợ gốc mà KH không trả được nợ trước hạn khi QTD chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Quy chế này.

Trong Quy chế này, các từ viết tắt dưới đây được hiểu như sau:

a) QTD: Quỹ tín dụng nhân dân Long Hưng A;

b) HĐQT: Hội đồng quản trị;

c) GĐ: Giám đốc;

d) NVTD: Nhân viên tín dụng;

đ) HĐTD:       Hợp đồng tín dụng;

e) KH: Khách hàng;

g) NHNN: Ngân hàng Nhà nước.

Điều 4. Quyền tự chủ của QTD

    QTD tự chủ trong hoạt động cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình.

  1. QTD có quyền từ chối các yêu cầu vay vốn của KH không đúng với Quy chế này.

 Điều 5. Nguyên tắc cho vay, vay vốn

  1. Hoạt động cho vay của QTD đối với KH được thực hiện theo thỏa thuận giữa QTD và KH, phù hợp với Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.
  2. KH vay vốn QTD phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với QTD.

 Điều 6: Sử dụng ngôn ngữ

Thỏa thuận cho vay, các tài liệu khác trong hoạt động cho vay sử dụng bằng tiếng Việt.

 Điều 7. Điều kiện vay vốn

   QTD xem xét, quyết định cho vay khi KH có đủ các điều kiện sau đây:

  1. Đối với cá nhân:

1.1. Phải là thành viên của QTD (trừ trường hợp vay cầm cố sổ tiền gửi).

1.2. Không thuộc các đối tượng sau đây:

a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang phải chấp hành bản án, quyết định về hình sự của tòa án; người đã bị kết án từ tội phạm nghiêm trọng trở lên mà chưa được xóa án tích;

b) Cán bộ, công chức làm việc ở những ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;

c) Sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

1.3. Các điều kiện khác theo quy định của Điều lệ QTD.

  1. Đối với pháp nhân:

Là thành viên của QTD; có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật.

  1. Đối với KH cá nhân và pháp nhân khi vay vốn phải đảm bảo:

a) Nhu cầu vay vốn sử dụng vào mục đích hợp pháp;

b) Có dự án đầu tư, phương án thực hiện hoạt động kinh doanh khả thi;

c) Có khả năng tài chính để trả nợ;

d) Trường hợp KH vay vốn theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Quy chế này khi KH được QTD đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh theo Bộ tiêu chí kèm theo quy chế này.

   Điều 8. Những nhu cầu vốn không được cho vay

QTD không cho vay đối với các nhu cầu vốn sau đây:

  1. Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
  2. Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm.
  3. Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
  4. Để mua vàng miếng.
  5. Để trả nợ khoản nợ vay tại QTD, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
  6. Để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

      a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh.

      b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ.

      c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

 Điều 9. Hồ sơ đề nghị vay vốn

      Khi có nhu cầu vay vốn, KH gửi cho QTD các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 7 Quy chế này.

Hồ sơ đề nghị vay vốn bao gồm:

  1. Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu; hộ khẩu (đối chiếu khớp đúng với bản chính).
  2. Thẻ thành viên (trừ trường hợp vay cầm cố sổ tiền gửi, hộ nghèo).
  3. Phương án sử dụng vốn (các món vay kinh doanh, trong phương án sử dụng vốn có phương án thực hiện hoạt động kinh doanh).
  4. Báo cáo tình hình tài chính, thu nhập của KH/hoặc bản kê khai tình hình tài chính, thu nhập.
  5. Các tài liệu chứng minh tính hợp pháp và giá trị các tài sản làm bảo đảm nợ vay (đối với những món vay có bảo đảm bằng tài sản).
  6. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Điều lệ hoạt động; Quyết định bổ nhiệm Giám đốc hoặc người đại diện; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của 02 năm trước liền kề (đối với KH là pháp nhân).
  7. Các tài liệu khác có liên quan.

 Điều 10. Loại cho vay

QTD xem xét quyết định cho KH vay theo các loại cho vay như sau:

  1. Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 (một) năm.
  2. Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 (một) năm và tối đa 05 (năm) năm.
  3. Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 (năm) năm.

 Điều 11. Đồng tiền cho vay, trả nợ

QTD sử dụng đồng tiền cho vay và đồng tiền trả nợ của khoản vay bằng đồng Việt Nam.

 Điều 12. Mức cho vay

  1. Khi xác định mức cho vay đối với một KH, QTD căn cứ vào:

a) Phương án sử dụng vốn và khả năng tài chính của KH.

b) Khả năng quản lý của QTD.

c) Khả năng nguồn vốn của QTD.

d) Mức cho vay tối đa so với giá trị tài sản bảo đảm tiền vay là 75%. Riêng đối với trường hợp cho vay KH dưới hình thức cầm cố sổ tiền gửi do chính QTD phát hành thì mức cho vay tối đa cộng tiền lãi phải trả khi đến hạn trả nợ không vượt quá số dư còn lại của sổ tiền gửi tại thời điểm quyết định cho vay.

Việc xác định mức cho vay tối đa đối với một KH, KH và người có liên quan không được vượt quá giới hạn cho phép quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Quy chế này.

Quyền phán quyết cho vay: Căn cứ vào tình hình thực tế tại QTD, HĐQT QTD quy định mức phán quyết cho vay phù hợp từng thời kỳ.

 Điều 13. Lãi suất cho vay

         QTD và KH thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của KH trên cơ sở mức lãi suất do HĐQT QTD quy định phù hợp với quy định của NHNN tại thời điểm ký HĐTD, trừ trường hợp Ngân hàng nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.

         QTD và KH thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:

          a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

          b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

           c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

          d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

          đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

            Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.

          Khi đến hạn thanh toán mà KH không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì KH phải trả lãi tiền vay như sau:

           a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

           b) Trường hợp KH không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do QTD và KH thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

           c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì KH phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

           Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, QTD và KH phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì QTD áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.

            QTD có trách nhiệm niêm yết công khai các mức lãi suất cho vay tại trụ sở làm việc theo quy định để KH biết.

Điều 14. Phí liên quan đến hoạt động cho vay

QTD và KH thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay gồm:

  1. Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.
  2. Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng.
  3. Phí thu xếp cho vay hợp vốn.
  4. Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu.
  5. Các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

     Các mức phí trên do HĐQT QTD Quy định theo từng thời kỳ.

 Điều 15. Phương thức cho vay

  QTD thỏa thuận với KH việc áp dụng các phương thức cho vay như sau:

  1. Cho vay từng lần: mỗi lần cho vay, QTD và KH thực hiện thủ tục cho vay và ký kết HĐTD.
  2. Cho vay trả góp: là phương thức cho vay mà số tiền trả nợ các kỳ bằng nhau. Số lãi tiền vay phải trả cộng với số nợ gốc được chia ra để trả nợ. Hoặc số tiền trả nợ của mỗi kỳ là bằng nhau và số lãi được tính dựa trên số dư nợ gốc và thời hạn thực tế của kỳ hạn trả nợ.

- Lãi tiền vay được tính theo phương pháp gộp: lãi tiền vay phải trả sẽ được tính trước trên toàn bộ nợ gốc nhân với lãi suất cho vay nhân cho cả thời hạn vay và cộng với số dư nợ gốc rồi chia đều ra cho các kỳ hạn trả nợ.

- Lãi tiền vay được tính theo phương pháp dư nợ thực tế: lãi tiền vay phải trả mỗi kỳ bằng số dư nợ gốc thực tế nhân với lãi suất cho vay nhân với số ngày thực tế của kỳ hạn trả nợ.

  1. Cho vay theo hạn mức: QTD xác định và thỏa thuận với KH một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong hạn mức cho vay, QTD thực hiện cho vay từng lần, nếu thời hạn cho vay trên một năm, thì ít nhất một năm một lần, QTD xem xét xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này.

          Phương thức cho vay này áp dụng với KH có nhu cầu vay vốn và trả nợ thường xuyên, SX - KD ổn định.

           a) Xác định hạn mức tín dụng: sau khi nhận đủ các tài liệu của KH, QTD xác định hạn mức tín dụng. Đối với kinh doanh tổng hợp thì phương án kinh doanh của KH là tổng hợp phương án kinh doanh của từng đối tượng, theo đó QTD xác định hạn mức tín dụng cho cả phương án kinh doanh tổng hợp.

            b) Phát tiền vay: trong phạm vi hạn mức tín dụng, thời hạn duy trì hạn mức, mỗi lần rút vốn vay, KH và QTD lập giấy nhận nợ kèm theo các chứng từ phù hợp với mục đích sử dụng vốn trong HĐTD.

          c) Lãi suất cho vay: Áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh, lãi suất được xác định căn cứ vào khung lãi suất của QTD tại thời điểm phát tiền vay và được ghi vào giấy nhận nợ.

          d) Quản lý hạn mức tín dụng: NVTD phải quản lý chặt chẽ hạn mức tín dụng, bảo đảm mức dư nợ không vượt quá hạn mức tín dụng đã ký kết/không đủ vốn để cấp theo hạn mức. Trong quá trình vay vốn, trả nợ nếu việc kinh doanh có thay đổi và KH có nhu cầu điều chỉnh hạn mức thì KH đề nghị xác định lại hạn mức tín dụng. QTD xem xét, nếu thấy hợp lý thì cùng KH thỏa thuận điều chỉnh hạn mức tín dụng và sửa đổi bổ sung HĐTD. Trong thời hạn 10 ngày, khi hạn mức tín dụng cũ hết hiệu lực KH phải gửi cho QTD phương án kinh doanh kỳ tiếp theo. Căn cứ vào nhu cầu vay vốn của KH, QTD thẩm định để xác định hạn mức tín dụng và thời hạn của hạn mức tín dụng mới.

           đ) Xác định thời hạn cho vay: thời hạn cho vay được xác định dựa trên chu kỳ kinh doanh, kế hoạch trả nợ, nguồn vốn trả nợ của KH ghi vào HĐTD/giấy nhận nợ phù hợp với chu kỳ kinh doanh, khả năng trả nợ của KH và nguồn vốn của QTD. Nếu KH kinh doanh tổng hợp thì lựa chọn sản phẩm có chu kỳ kinh doanh dài nhất hoặc chiếm tỷ trọng chủ yếu để xác định thời hạn cho vay. Thời hạn cho vay trên từng giấy nhận nợ có thể không phù hợp với thời hạn hiệu lực của hạn mức tín dụng.

  1. Cho vay lưu vụ: là việc QTD thực hiện cho vay đối với KH để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm. Theo đó, QTD và KH thỏa thuận dư nợ gốc của chu kỳ trước tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhưng không vượt quá thời gian của 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp.

          Phương thức cho vay áp dụng đối với KH có nhu cầu vay vốn thường xuyên cho chăn nuôi, trồng trọt.

  1. Cho vay hợp vốn:

    5.1. QTD và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh An Giang cùng thực hiện cấp tín dụng đối với KH thông qua nghiệp vụ cho vay. QTD cho vay hợp vốn khi:

        a) Nhu cầu cấp tín dụng để thực hiện dự án kinh doanh của KH vượt giới hạn cấp tín dụng của QTD theo quy định của pháp luật;

        b) Nhu cầu phân tán rủi ro QTD.

         5.2. Đơn vị (cơ quan) tham gia cấp tín dụng hợp vốn đóng góp vốn (hoặc nghĩa vụ) theo tỷ lệ tham gia được quy định trong hợp đồng hợp vốn; được hưởng các lợi ích (lãi và phí theo quy định) và chia sẻ các chi phí, rủi ro phát sinh được quy định trong hợp đồng hợp vốn.

  1. Cho vay tuần hoàn: QTD và KH thỏa thuận áp dụng cho vay ngắn hạn đối với KH với điều kiện:

         a) Đến thời hạn trả nợ, KH có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay;

           b) Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh;

           c) Tại thời điểm xem xét cho vay, KH không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng;

         d) Trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu KH có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.

  1. Các phương thức cho vay khác được kết hợp các phương thức cho vay quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều này, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của QTD và đặc điểm của khoản vay.

Điều 16. Bảo đảm tiền vay                                            

  1. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do QTD và KH thoả thuận. Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của QTD với KH phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan.
  2. GĐ quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.
  3. KH, bên bảo đảm phải phối hợp với QTD để xử lý tài sản bảo đảm tiền vay khi có căn cứ xử lý theo HĐTD, hợp đồng bảo đảm tiền vay và quy định của pháp luật.
  4. GĐ chỉ được giải quyết cho vay không áp dụng biện pháp đảm bảo tiền vay khi có quy định của HĐQT về thẩm quyền và mức phán quyết cho vay.

Điều 17. Cung cấp thông tin

  1. QTD cung cấp cho KH đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay: lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định KH vay vốn theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Quy chế này.
  2. KH cung cấp thông tin cho QTD và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu gửi cho QTD:

       a) Các tài liệu quy định tại Điều 9 Quy chế này;

        b) Báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay;

        c) Các tài liệu để chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.

Điều 18. Giới hạn cho vay

  1. Tổng mức dư nợ cho vay đối với một KH không được vượt quá 15% vốn tự có của QTD.
  2. Tổng mức dư nợ cho vay đối với KH và người có liên quan không vượt quá 25% vốn tự có của QTD. Trong đó, mức cho vay đối với một KH không được vượt quá tỷ lệ quy định tại khoản 1 Điều này.
  3. Các giới hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này không áp dụng đối với:

     a) Các khoản cho vay theo ủy thác của Chính phủ, tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân.

        b) Các khoản cho vay có bảo đảm toàn bộ bằng sổ tiền gửi tại chính QTD cả về thời hạn và giá trị.

  1. Việc xác định vốn tự có của QTD để làm căn cứ tính toán giới hạn cho vay thực hiện theo quy định của NHNN.
  2. QTD không cho vay không có bảo đảm; không cho vay ưu đãi đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 32/2015/TT-NHNN.
  3. Đối với các khoản cho vay các đối tượng quy định tại khoản 5 Điều này, QTD phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a)Tổng mức dư nợ cho vay không được vượt quá 5% vốn tự có của QTD.

b)Việc cho vay phải được Hội đồng quản trị thông qua và phải công khai trong QTD.

c)Báo cáo Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp khi có phát sinh khoản cho vay.

d)Báo cáo Đại hội thành viên đối với khoản cho vay phát sinh đến thời điểm lấy số liệu để họp Đại hội thành viên.

 Điều 19. Thẩm định và quyết định cho vay

  1. QTD thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của KH theo quy định tại Điều 7 Quy chế này để xem xét quyết định cho vay. Trong quá trình thẩm định, QTD phải sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ kết hợp với các thông tin tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các kênh thông tin khác.
  2. Nhiệm vụ và trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay:

Nhằm giúp HĐQT, GĐ trong việc thẩm định và quyết định cho vay đối với những món vay lớn. HĐQT thành lập Ban Tín dụng và quy định quyền phán quyết cho vay, quy trình xét duyệt cho vay từng thời kỳ.

a) NVTD:

            - Thu thập tài liệu, thông tin, kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của các tài liệu do KH cung cấp.

            - Phân tích tính khả thi, hiệu quả của phương án sử dụng vốn, nhu cầu vay vốn của KH, khả năng hoàn trả nợ vay của KH và đánh giá xếp hạng tín dụng KH.

            - Lập biên bản định giá tài sản thế chấp đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo.

            - Lập báo cáo thẩm định, trong đó nêu rõ đề xuất về việc cho vay hay không cho vay và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định. Trình Tổ trưởng tín dụng/GĐ/Ban tín dụng hoặc HĐQT để xem xét quyết định cho vay.

- Thông báo cho KH về quyết định cho vay hay không cho vay của QTD sau khi có quyết định của GĐ/Ban tín dụng/HĐQT.

            - Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay; đôn đốc KH trong việc hoàn trả nợ vay.

            - Chịu trách nhiệm chính và cùng với GĐ chịu trách nhiệm về đề xuất của mình trong trường hợp KH không trả được nợ cho QTD.

b) Tổ trưởng tín dụng:

            - Tổ trưởng tín dụng là cầu nối trung gian giữa GĐ với NVTD. Chịu trách nhiệm trước GĐ về những phần việc được GĐ giao phó hoặc ủy quyền.

            - Tổ trưởng tín dụng không chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thẩm định và đề xuất cho vay của NVTD, cùng với GĐ chịu trách nhiệm gián tiếp trong trường hợp KH không trả được nợ cho QTD.

c) GĐ:

            - Có trách nhiệm xem xét báo cáo thẩm định và toàn bộ hồ sơ do NVTD trình lên. Trường hợp cần thiết, GĐ có thể tổ chức thẩm định lại hoặc giao cho NVTD thẩm định tiếp những nội dung cần bổ sung.

            - Quyết định cho vay hay không cho vay đối với những món vay thuộc quyền phán quyết của mình. Đối với những món vay vượt quyền phán quyết thì ghi ý kiến của mình và trình Ban tín dụng hoặc HĐQT quyết định.

            - Ký duyệt hồ sơ cho vay và chuyển toàn bộ hồ sơ lại cho NVTD.

            - Chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong trường hợp KH không trả được nợ cho QTD.

d) Ban tín dụng/HĐQT:

            - Có trách nhiệm xem xét báo cáo thẩm định và toàn bộ hồ sơ do Tổ trưởng tín dụng hoặc GĐ trình lên. Trường hợp cần thiết Ban tín dụng/HĐQT có thể thẩm định lại hoặc giao cho NVTD thẩm định lại.

            - Ban tín dụng/HĐQT chỉ được quyết định cho vay khi có tối thiểu 2/3 số thành viên Ban tín dụng/HĐQT đồng ý. Thành viên không đồng ý cho vay có quyền bảo lưu ý kiến của mình.

            - Có biên bản ghi rõ quyết định cho vay hay không cho vay và chuyển toàn bộ hồ sơ cho vay cho GĐ xử lý.

  1. GĐ quy định cụ thể và niêm yết công khai thời hạn tối đa phải thông báo quyết định cho vay hoặc không cho vay đối với KH. Trường hợp quyết định không cho vay, GĐ phải thông báo cho KH bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cho vay khi KH có yêu cầu

Điều 20. Trả nợ gốc và lãi tiền vay

  1. QTD và KH thỏa thuận về kỳ hạn trả nợ gốc và lãi tiền vay như sau:

a) Trả nợ gốc, lãi tiền vay theo kỳ hạn riêng;

b) Trả nợ gốc và lãi tiền vay trong cùng một kỳ hạn;

c) Trả lãi hàng tháng, gốc cuối kỳ;

d) Trả nợ gốc và lãi tiền vay vào cuối kỳ.

QTD và KH thỏa thuận về việc trả nợ trước hạn, nếu không có thỏa thuận về việc trả nợ trước hạn thì KH phải trả phí trả nợ trước hạn theo Điều 14 Quy chế này.

  1. Trường hợp KH không có khả năng trả nợ đúng hạn một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, QTD xem xét chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Điều 21 hoặc chuyển nợ quá hạn theo quy định tại Điều 22 Quy chế này. QTD tính lãi phải trả của KH theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Quy chế này.
  2. Thứ tự thanh toán:

- Đối với khoản nợ vay chưa quá hạn trả nợ: thứ tự thanh toán là thu nợ lãi tiền vay trước, thu nợ gốc sau.

- Đối với khoản nợ vay bị quá hạn trả nợ: thứ tự thanh toán là thu nợ gốc trước, thu nợ lãi tiền vay sau.

  Điều 21. Cơ cấu lại thời hn trả n

QTD xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của KH, khả năng tài chính của QTD và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của KH như sau:

  1. KH không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được QTD đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì QTD xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của KH. Thời hạn cho vay không thay đổi.
  2. KH không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được QTD đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì QTD xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của KH.
  3. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.

Điều 22. Nợ quá hạn

QTD chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà KH không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được QTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho KH về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.

Điều 23. Chấm dứt cho vay, xử lý nợ, miễn, giảm lãi tiền vay

  1. QTD chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện KH cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay. Khi thực hiện chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong thỏa thuận cho vay, QTD thông báo cho KH về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.
  2. Trường hợp KH không trả được nợ đến hạn thì QTD áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ, nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với QTD thì KH có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho QTD.
  3. Trường hợp KH hoặc bên bảo đảm bị tòa án quyết định mở thủ tục phá sản hoặc tuyên bố phá sản, thì việc thu hồi nợ của QTD đối với KH, bên bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
  4. QTD miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho KH theo Quy chế miễn, giảm lãi tiền vay, phí đối với KH.

Điều 24. Thỏa thuận cho vay

  1. Thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:

a) Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của QTD; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc mã số doanh nghiệp của KH;

b) Số tiền cho vay, hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức;

c) Mục đích sử dụng vốn vay;

d) Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ;

đ) Phương thức cho vay;

e) Thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức;

g) Lãi suất cho vay theo thỏa thuận và mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Quy chế này. Nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất; thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; loại phí liên quan đến khoản vay và mức phí áp dụng;

h) Giải ngân vốn cho vay và việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay;

i) Việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay; trả nợ trước hạn;

k) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà KH không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được QTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Hình thức và nội dung thông báo chuyển nợ quá hạn theo Điều 22 Quy chế này.

l) Trách nhiệm của KH trong việc phối hợp với QTD và cung cấp các tài liệu liên quan đến khoản vay để QTD thực hiện thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của KH;

m) Các trường hợp chấm dứt cho vay, thu nợ trước hạn, chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà KH không trả được nợ trước hạn khi QTD chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Hình thức và nội dung thông báo chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo khoản 1 Điều 23 Quy chế này;

n) Xử lý nợ vay, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, quyền và trách nhiệm của các bên;

o) Hiệu lực của thỏa thuận cho vay.

Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan.

  1. Thỏa thuận cho vay quy định tại khoản 1 và 2 Điều này được lập dưới hình thức thỏa thuận cho vay cụ thể hoặc thỏa thuận khung và thỏa thuận cho vay cụ thể.
  2. Trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận cho vay, QTD phải thực hiện:

a) Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của QTD;

b) Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho KH biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của KH về việc đã được QTD cung cấp đầy đủ thông tin.

 Điều 25. Kiểm tra sử dụng tiền vay

  1. KH có trách nhiệm sử dụng vốn vay và trả nợ theo nội dung thỏa thuận; báo cáo và cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay theo yêu cầu của QTD.
  2. QTD thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ của KH theo quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của KH do HĐQT ban hành.

Điều 26. Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

  1. QTD và KH được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp QTD hoặc KH không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Quy chế này.
  2. QTD và KH có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp QTD và KH có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Điều 27. Các quy định khác

Khi thực hiện cho vay, GĐ có trách nhiệm:

  1. Tuân thủ các quy định về những trường hợp không được cho vay, hạn chế cho vay và giới hạn cho vay tại khoản 3, 4, 5, 6 Điều 126, Điều 127, Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.
  2. Sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay của QTD đối với KH.
  3. Thực hiện việc phân loại, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với hoạt động cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
  4. Thực hiện việc hạch toán kế toán, báo cáo thống kê đối với hoạt động cho vay theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ hạch toán kế toán và báo cáo thống kê của QTD.

 Điều 28. Tổ chức thực hiện

  1. GĐ có trách nhiệm quy định chi tiết các điều khoản thuộc thẩm quyền của GĐ quy định và tổ chức thực hiện.
  2. HĐQT quy định chi tiết các điều khoản thuộc thẩm quyền của HĐQT và hướng dẫn thực hiện.
  3. Mọi sửa đổi, bổ sung Quy chế này do HĐQT quyết định.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

CHỦ TỊCH

 

  

Nguyễn Ngọc Ẩn

 

Hình ảnh tiêu biểu
dsc_4620fa071c9c22d9f9a366d3f9a63b534618dsc_6974dsc_4613
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 27
Trong ngày: 152
Trong tuần: 410
Lượt truy cập: 258398
 7c00bdd667aa9cf4c5bb

Trụ sở chính: Ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A, Lấp Vò, Đồng Tháp

Điện thoại: 02773.674126 - 02773.673333

Email: qtdndlha@gmail.com

Website: www.quytindunglonghunga.com